MẤT ĐIỆN ĐỘT NGỘT TRONG ĐÊM BÃO BÁC SĨ TTYT ĐÔNG TRIỀU BÓP BÓNG AMBU THAY MÁY THỞ CỨU BỆNH NHÂN
Ngày 7/9, khi bão số 3 đổ bộ, hệ thống điện lưới bị ngưng trệ, hệ thống máy phát điện tại đơn vị đang được sửa chữa do sức tàn phá của bão Yagi, toàn bộ hệ thống máy thở, khí nén, áp lực âm đều tạm ngưng trệ ,các y bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc - thận nhân tạo, TTYT Thị xã Đông Triều đã cấp cứu thành công một bệnh nhân ngưng tuần hoàn, lấy lại nhịp tim, đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo đảm bảo tính mạng của người bệnh.
Trong lúc bão quần thảo địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm y tế Thị xã Đông Triều có 6 người bệnh đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở kiểm soát kèm theo 12 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Kíp trực gồm các Nguyễn Mạnh Hùng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, trưởng kíp trực., Bác sĩ CKI Sản khoa Phạm Sỹ Tâm, Điều dưỡng hồi sức tích cực Ngô Thị Ngọc Lan, Đoàn Thanh Tùng.
Được biết người bệnh tên N. T. D (77 tuổi) được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy thận cấp, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp II. Hiện đang được hồi sức tích cực, huyết động phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, kháng sinh, bù phụ dịch, và ổn định điện giải.
Ngay khoảnh khắc phát hiện và chẩn đoán nhanh chóng tình trạng người bệnh N.T.D là ngừng tuần hoàn, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cùng kíp trực thực hiện ngay công tác cấp cứu ngừng tuần hoàn: Ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, bóp bóng Ambu và sử dụng Adrenalin, các thuốc vận mạch trong hoàn cảnh tất cả các hệ thống máy móc, hỗ trợ đang tạm ngưng trệ, thiếu thốn về ánh sáng, thiếu thốn về nhân lực.
Sau khoảng thời gian 20 phút tích cực cấp cứu người bệnh đã vượt qua con nguy kịch.
Chia sẻ về ca cấp cứu, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Trong ca trực, tôi rất lo lắng làm sao để duy trì 6 máy thở kiểm soát, để kết thúc 12 máy lọc máu cho người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ, làm sao để cứu sống người bệnh ngừng tim và những bệnh nhân nặng mà trang thiết bị hỗ trợ thiếu thốn. Những lo lắng ấy càng khiến tôi quyết tâm và nỗ lực hơn, thực hiện mọi quy trình nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất. Khi ấy, tất cả chúng tôi đồng lòng, liên tục thông báo cho nhau những thông tin về kiểm soát được thông khí, huyết động ổn định, hệ thống theo dõi ổn định, đảm bảo an toàn, cấp cứu thành công từng vị trí, từng người bệnh. Cảm xúc chỉ thật sự vỡ òa, hạnh phúc khi toàn bộ người bệnh đã vượt qua tình trạng nguy cấp nhất, chúng tôi đã đấu tranh, giành giật lại sự sống trong những thời khắc mà cả cuộc đời chúng tôi chưa từng trải qua.”
Có thể nói, những nỗ lực của các y bác sĩ trong khoảnh khắc đặc biệt khó khăn không thể kể hết. Sự thành công ấy có được cùng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban lãnh đạo bệnh viện cùng toàn thể nhân viên y tế đã lên phương án, kế hoạch ứng phó khi xảy ra tình huống. Trước đó, Trung tâm cũng đã lên kế hoạch để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt nhất đồng thời cũng thực hiện công tác phòng chống bão ngay tại cơ quan, khắc phục nhanh chóng thiệt hại để cơ quan trở lại hoạt động khi mà tình hình thiên tai vẫn còn diễn biến phức tạp và nặng nề.
Nguồn:Sức khỏe Quảng Ninh Copy link